Phát triển bền vững Tây Ninh trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chuyển đổi số

Thứ sáu, 29/12/2023 14:33
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Hội nhập quốc tế, chuyển đổi số đang có tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội các địa phương trong đó có tỉnh Tây Ninh. Bối cảnh đó tạo ra nhiều cơ hội song cũng kéo theo không ít thách thức, đòi hỏi Tây Ninh phải chủ động trong quá trình phát triển để đảm bảo mục tiêu phát triển nhanh, bền vững.

Ngày 28/12, tại TP Hồ Chí Minh, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp Trường Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh; Công ty cổ phần Tư vấn, đầu tư, hạ tầng Sài Gòn tổ chức Hội thảo khoa học “Phát triển bền vững tỉnh Tây Ninh trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chuyển đổi số”.

Tham dự Hội thảo có các chuyên gia và nhà khoa học, nhà nghiên cứu về nhiều lĩnh vực.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Vũ Tuấn Hưng - Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ Việt Nam cho rằng, hội nhập quốc tế và chuyển đổi số hiện nay đã trở thành xu hướng song trùng phát triển tất yếu, tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức và tiềm ẩn những rủi ro khó lường.

Đối với chuyển đổi số không chỉ giúp tăng năng suất, giảm chi phí mà còn mở ra không gian phát triển mới, tạo ra các giá trị mới ngoài các giá trị truyền thống vốn có. Tuy nhiên về tổng thể, đây là một quá trình lâu dài, phức tạp. Trong chỉ đạo, triển khai thực hiện cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng, bởi nếu cách thức tiếp cận và tổ chức thực hiện ngay từ đầu không đúng sẽ rất khó khắc phục, và đôi khi phải trả giá rất đắt. Để phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chuyển đổi số đòi hỏi các địa phương cần phải có các giải pháp căn cơ, tính toán lộ trình, các bước nhanh nhưng phải thận trọng trên cả 3 phương diện: kinh tế, xã hội và môi trường.

Việc tổ chức Hội thảo hôm nay, nhằm phân tích, chỉ ra và nhìn nhận lại các tiềm năng, lợi thế đặc thù và cơ hội, thách thức của Tây Ninh hiện nay. “Nội dung Hội thảo đặt các vấn đề phát triển bền vững tỉnh Tây Ninh trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chuyển đổi số để từ đó có những kiến giải, góp phần tận dụng thời cơ, hạn chế thách thức để vượt lên phát triển mạnh mẽ”, PGS.TS Vũ Tuấn Hưng nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học cho rằng, dựa trên những điều kiện về vị trí địa lý, kinh tế, xã hội, Tây Ninh cũng đã sớm xác định một mục tiêu rõ ràng trong việc triển khai và minh định mục tiêu phát triển trong quy hoạch tổng thể tới năm 2030 và tầm nhìn tới năm 2045. Tây Ninh đang nỗ lực đánh thức mọi tiềm năng phát triển, quyết tâm thực hiện mọi thắng lợi mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã đề ra. Đặc biệt, địa phương cũng đã chủ động kết nối liên vùng phát triển hạ tầng giao thông, đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp, tích cực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư để thu hút doanh nghiệp, đánh thức tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng nhìn nhận bên cạnh cơ hội cũng còn không ít thách thức mà trong quá trình phát triển Tây Ninh phải đối mặt. Tỉnh cần có các giải pháp toàn diện để phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chuyển đổi số hiện nay.

Tại Hội thảo đã có nhiều ý kiến được chia sẻ nhằm góp phần giúp Tây Ninh có định hướng cụ thể, hiệu quả nhằm đảm bảo phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay 

Về giải pháp, đa số các ý kiến cho rằng, trước hết, Tây Ninh cần rà soát và hoàn thiện các thể chế chính sách, chiến lược một cách toàn diện, đơn giản, cụ thể, hiệu quả; phát triển hài hòa cả 3 lĩnh vực: kinh tế, xã hội và môi trường, trong đó một trong những nhiệm vụ quan trọng đó là bảo vệ tốt quốc phòng, an ninh biên giới.

Thứ hai, cần hoàn thiện chỉnh thể cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng kết nối liên kết vùng và đặc biệt quan tâm hạ tầng số.

Thứ ba là cần nâng cao nhận thức về hội nhập quốc tế và chuyển đổi số.

Thứ tư là xây dựng, phát triển kho dữ liệu số tạo thành kho dữ liệu lớn (Big Data). Đây sẽ là một trong những điều kiện tiên quyết giúp chuyển đổi số khả thi và thành công.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Tây Ninh cần xây dựng lộ trình và phương thức kết nối, tận dụng lợi thế đặc thù gắn với tuyến mậu dịch ngoại biên trong phát triển kinh tế mậu biên gắn với các cửa khẩu lớn kết nối với các nước Đông Nam Á.

Ngoài ra, để đảm bảo phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế và chuyển đổi số, Tây Ninh cũng cần phải tập trung vào một số lĩnh vực như nguồn lực công nghệ, nguồn nhân lực đặc biệt là nguồn nhân lực số. Đồng thời có cơ chế thu hút và khuyến khích các hoạt động, chủ thể khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển tài sản trí tuệ, tài sản số…

Theo thống kê, trong nửa nhiệm kỳ qua, mức tăng trưởng bình quân của Tây Ninh đạt 4,72%. GRDP bình quân đầu người từ 3.190 USD năm 2020 tăng lên 3.690 USD vào năm 2022, bằng 33,1% so với mục tiêu đến năm 2025. Năm 2022, Tây Ninh xếp thứ 15 trong số 63 tỉnh, thành phố về thu hút đầu tư nước ngoài. Tính đến cuối năm 2023, Tây Ninh có 65/71 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt gần 92%; 25/36 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 3/12 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu… 

Nguồn: Dangcongsan.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)